PGS. TS. Phạm Cẩm Phương, CN. Nguyễn Bảo Ngọc (tham khảo và lược dịch)
Đơn vị Gen-Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Nghiên cứu mang tên Cân bằng năng lượng và Ung thư vú (Energy Balance and Breast Cancer Aspect-EBBA) của Tiến sỹ Inger Thune-Bệnh viện Đại học Oslo-Na Uy được trình bày tại Hội nghị chuyên đề Ung thư vú thường niên năm 2018 tại San Antonio đã chỉ ra rằng: Tập thể dục giúp cải thiện đáng kể chức năng tim mạch ở những bệnh nhân Ung thư vú sau phẫu thuật.
Nghiên cứu đã thiết kế một chương trình tập thể dục cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú 3 tuần; tập ngoài trời bao gồm tập thể dục nhịp điệu, tập sự bền bỉ và dẻo dai, sau 12 tháng chức năng tim mạch được phục hồi gần như hoàn toàn.
Chia sẻ về nghiên cứu của mình tại Hội nghị, bà Inger Thune nói “Điểm đáng chú ý là, đối với tất cả các bệnh nhân dù họ có được hóa trị hay không, hoạt động thể chất đều đem lại một hiệu quả tốt. Nghiên cứu của chúng tôi hỗ trợ kết hợp các chương trình tập thể dục vào hướng dẫn điều trị ung thư vú”.
“Chức năng tim mạch trong quá trình điều trị cũng phản ánh chức năng thể chất của bệnh nhân trong cuộc sống sau này, nếu chức năng tim mạch kém liên quan đến các bệnh lý kèm theo và thời gian sống thêm, vì vậy sự suy giảm có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày” bà Thune nói thêm.
Tiến sỹ Kent Ostern thuộc Trung tâm Ung thư Dan L. Duncan, Đại học Y Baylor, Houston, Texas-người điều hành chính của Hội nghị cũng hoàn toàn đồng ý với ý tưởng bệnh nhân nên tập thể dục càng nhiều càng tốt trong suốt quá trình điều trị.
Ông Ostern nói “Bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên vì hầu hết các bệnh nhân sau khi được chẩn đoán ung thư đều có hoạt động thể chất rất ít, một phần liên quan đến chính những người thân của họ nói với họ “Bạn cần nghỉ ngơi vì bạn đang phải điều trị hóa chất”
“Những bệnh nhân này cần tích cực hoạt động nhất có thể. Điều đó sẽ giúp họ chịu đựng hóa chất và có kết quả tốt hơn, vì vậy chúng tôi đã thuyết phục để gia đình họ không đối xử với họ như một người ốm” Ông Ostern nhấn mạnh.
Chi tiết của thử nghiệm EBBA:
Thử nghiệm thu nhận 545 bệnh nhân ung thư vú giai đoạn I, II đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 55, chỉ số khối cơ thể trung bình (BMI) là 25kg/m². Ba tuần sau khi phẫu thuật vú, bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên vào hai nhóm tham gia chương trình tập thể dục 12 tháng hoặc chăm sóc tiêu chuẩn.
Khoảng 22% số Bệnh nhân ở cả hai nhóm đã có di căn hạch và khoảng 70% số phụ nữ này được phẫu thuật bảo tồn. Hơn ½ số phụ nữ được hóa trị sau phẫu thuật, trong đó 50% có dùng phác đồ có anthracycline và 40% phác đồ có taxane. ở cả hai nhóm 80% bệnh nhân được xạ trị và 60% bệnh nhân được điều trị nội tiết.
Bệnh nhân thực hiện các bài tập aerobic cường độ từ trung bình đến cao, một số bài tập về sức bền và sự dẻo dai.
Chương trình thể dục được thiết kế theo mức hấp thụ Oxi cao nhất ở mỗi cá nhân (VO₂ max), VO₂ max được đo trước khi phẫu thuật. VO₂ max được sử dụng là thước đo so sánh chức năng tim mạch.
Bệnh nhân tập thể dục cùng nhau 2 lần mỗi tuần kéo dài trong 60 phút và được hướng dẫn tập thể dục tại nhà thêm 120 phút mỗi tuần để đạt 240 phút tập thể dục trong một tuần.
“VO₂ max được đánh giá tại 3 thời điểm trước phẫu thuật, sau 6 tháng và cuối cùng sau 12 tháng. VO₂ max ở cả 2 nhóm tại thời điểm đầu tiên tương đương nhau có giá trị trung bình là 31 mL/Kg/phút”, Tiến sỹ Thune nói.
Các kết quả thu được:
Tại thời điểm 6 tháng, nhóm can thiệp đã bảo tồn chức năng tốt hơn nhiều so với nhóm kiểm soát. Khi so sánh mức VO₂ max ở hai nhóm, thấy nhóm can thiệp chỉ giảm 2,7% VO₂ max so với trước khi phẫu thuật, trong khi nhóm kiểm soát giảm 8,9% VO₂ max.
Tiếp tục theo dõi vào thời điểm 12 tháng, các kết quả một lần nữa có lợi với nhóm can thiệp. Cụ thể nhóm bệnh nhân can thiệp chương trình tập thể dục đã cải thiện mức VO₂ max gần bằng với thời điểm trước phẫu thuật. Còn nhóm kiểm soát thì đã giảm 3,8% VO₂ max so với kết quả ban đầu.
Khi đánh giá mức VO₂ max ở 242 bệnh nhân chưa từng trải qua hóa trị thì các kết quả một lần nữa ủng hộ nhóm can thiệp. Sau 6 tháng tập thể dục, bệnh nhân nhóm can thiệp đã tăng 1,6% VO₂ max so với ban đầu và duy trì tiếp 12 tháng. Ngược lại, nhóm kiểm soát sau 6 tháng đã giảm 2,7% VO₂ max và tiếp tục giảm sau 12 tháng.
Tiếp tục phân tích trên 295 bệnh nhân đã trải qua hóa trị, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở nhóm can thiệp tại thời điểm 6 tháng đã giảm 9% VO₂ max nhưng sau 12 tháng những bệnh nhân này nhanh chóng đã hồi phục VO₂ max gần như lúc ban đầu. Còn nhóm kiểm soát tại thời điểm 6 tháng đã giảm 14,2% VO₂ max ban đầu và sau 12 tháng mức VO₂ max vẫn còn thấp hơn 6,4%
Một nghiên cứu riêng biệt cũng được thực hiện trên 212 bệnh nhân có dùng Taxane trong phác đồ hóa trị. Với những bệnh nhân này, hiệu quả của tập thể dục được thể hiện rõ ràng nhất. Có sự sụt giảm 17,5% VO₂ max ở các bệnh nhân tại thời điểm 6 tháng. Tuy nhiên, sau 12 tháng tập thể dục nhóm bệnh nhân can thiệp đã cải thiện được mức VO₂ max chỉ còn dưới 1,4% so với trước khi phẫu thuật. Đối với nhóm kiểm soát thì mức VO₂ max vẫn thấp hơn khoảng 7,3% so với ban đầu.
Kết luận:
“Điểm đáng chú ý là tất cả các bệnh nhân dù đã trải qua hóa trị hay chưa thì vẫn có một hiệu quả tốt từ chương trình hoạt động thể chất. Những bệnh nhân ung thư vú nên có chương trình tập thể dục với các mức độ khác nhau phù hợp từng cơ thể”, bà Thune kết luận.
Bài viết được dịch từ bài báo “Exercise Preserves CV Function in Breast Cancer Patients” đăng trên web: www.medscape.com ngày 10 tháng 12 năm 2018
Tài liệu tham khảo:
1. https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT02240836
Nguồn: ungthubachmai.com.vn