Để chẩn đoán chính xác bản chất u não, bác sỹ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm sinh thiết khối u.
Những bệnh nhân cần sinh thiết có thể sẽ muốn hỏi bác sĩ những câu hỏi sau:
· Tại sao tôi cần phải sinh thiết? Sinh thiết có ảnh hưởng gì đến kế hoạch điều trị của tôi không?
· Tôi sẽ phải sinh thiết theo kiểu nào?
· Thời gian làm sinh thiết kéo dài trong bao lâu? Tôi có được tỉnh táo trong thời gian thực hiện thủ thuật không? Có đau không?
· Nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc chảy máu sau khi sinh thiết như thế nào? Có những nguy cơ nào khác không?
· Sau bao lâu thì tôi biết kết quả?
· Nếu tôi bị u não, ai sẽ là người điều trị cho tôi? Khi nào?
Nhiều bệnh nhân bị u não có mong muốn được đóng vai trò chủ động trong quyết định phương pháp điều trị cho mình. Họ muốn tìm hiểu tất cả những gì có thể được về bệnh của mình và những lựa chọn điều trị. Tuy nhiên, do bị shock và stress sau khi nghe chẩn đoán về căn bệnh của mình có thể sẽ làm cho bệnh nhân khó suy nghĩ được điều gì thấu đáo để trao đổi với bác sĩ. Do đó sẽ rất có ích nếu bệnh nhân lập một danh sách các câu hỏi trước khi đi khám. Để có thể nhớ những gì bác sĩ nói, bệnh nhân có thể cần phải ghi chú lại hoặc hỏi xem họ có thể dùng máy thu âm được không. Một số bệnh nhân cũng cần có người thân hoặc bạn bè ở bên cạnh khi nói chuyện với bác sĩ để tham gia vào cuộc bàn luận, để ghi chú hoặc chỉ đơn giản là để lắng nghe.
Các bác sĩ có thể sẽ chuyển bệnh nhân đến những bác sĩ chuyên khoa thích hợp, hoặc bệnh nhân cũng có thể đòi hỏi chuyện này. Những bác sĩ chuyên khoa có thể điều trị được u não bao gồm: các bác sĩ ngoại thần kinh, ung bướu, và những bác sĩ khoa xạ ung bướu. Bệnh nhân cũng có thể sẽ được giới thiệu đến các chuyên gia về sức khỏe khác để phối hợp với nhau, bao gồm: y tá, chuyên gia dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, chuyên gia vật lý trị liệu v.v... Trẻ em có thể sẽ phải cần đến người giám hộ khi đi học.
Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân những lựa chọn điều trị và thảo luận về những kết quả có thể thu được từ mỗi phương pháp điều trị đó. Bác sĩ và bệnh nhân có thể làm việc với nhau để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Cách điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại, vị trí, kích cỡ và độ biệt hóa của khối u. Đối với một số loại ung thư não, bác sĩ có thể cần phải biết xem có sự hiện diện của tế bào ung thư bên trong dịch não tủy hay không.
Có một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi các bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị:
· Tôi bị loại u não nào?
· Nó lành tính hay ác tính?
· Độ biệt hóa của khối u của tôi như thế nào?
· Những lựa chọn điều trị của tôi là gì? Bác sĩ có khuyên tôi nên chọn cách nào không? Tại sao?
· Những lợi ích của mỗi phương pháp điều trị?
· Nguy cơ và những tác dụng phụ có thể xảy ra của mỗi phương pháp điều trị?
· Chi phí điều trị khoảng bao nhiêu?
· Việc điều trị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của tôi như thế nào?
Bệnh nhân cũng không cần phải hỏi tất cả các câu hỏi hay hiểu tất cả các câu trả lời một lúc mà sẽ có thêm nhiều cơ hội khác để yêu cầu bác sĩ giải thích những chỗ chưa hiểu hoặc để hỏi thêm thông tin.
Bệnh nhân bị u não có một số lựa chọn điều trị. Phụ thuộc vào loại, độ biệt hóa của khối u mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. Một số bệnh nhân được điều trị phối hợp những cách trên.
Ngoài ra, tại bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, bệnh nhân cũng có thể được điều trị giảm đau và những triệu chứng khác của ung thư, bệnh nhân cũng sẽ được điều trị làm giảm những tác dụng phụ của những phương pháp điều trị ung thư, và để làm giảm những rối loạn tinh thần do bệnh gây ra. Loại điều trị này được gọi là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ.
Bác sĩ sẽ là người tốt nhất để giải thích những lựa chọn điều trị và bàn luận về những kết quả có thể thu được từ những lựa chọn điều trị đó cho bệnh nhân.
Phẫu thuật là cách điều trị thường được sử dụng nhất cho hầu hết các loại u não. Phương pháp phẫu thuật dùng để mở hộp sọ ra được gọi là phẫu thuật mở sọ. Nó được thực hiện dưới gây mê toàn thể. Trước khi bắt đầu phẫu thuật, tóc của bệnh nhân sẽ được cạo sạch. Sau đó phẫu thuật viên dùng một lưỡi cưa đặc biệt để rạch một đường ở sọ và lấy mảnh xương đó ra ngoài. Sau khi cắt bỏ một phần hay toàn thể khối u, phẫu thuật viên sẽ phủ lỗ hổng ở sọ bằng mảnh xương đã được lấy ra lúc trước hoặc bằng mảnh kim loại. Sau đó phẫu thuật viên sẽ đóng vết cắt ở sọ lại.
Sau đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi phẫu thuật:
- Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau phẫu thuật?
- Nếu đau thì bác sĩ sẽ xử trí thế nào?
Xạ trị là cách sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào u. Phóng xạ có thể bắt nguồn từ tia X, tia gamma, hoặc proton. Một cỗ máy lớn sẽ chiếu tia xạ vào khối u và những mô gần đó. Đôi khi, tia xạ sẽ được hướng trực tiếp đến toàn bộ não hoặc đến tủy sống.
Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật. Tia xạ sẽ tiêu diệt những tế bào u còn sót lại. Đôi khi, những bệnh nhân không thể phẫu thuật được sẽ được điều trị bằng tia xạ để thay thế.
Bệnh nhân sẽ cần phải đến bệnh viện để được xạ trị. Lịch điều trị tùy thuộc vào loại và kích thước của khối u cùng với tuổi của bệnh nhân. Mỗi đợt điều trị kéo dài chỉ khoảng vài phút.
Bác sĩ sẽ thực hiện những bước sau để bảo vệ những mô lành xung quanh khối u:
· Điều trị cách quãng - Thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xạ trị 5 ngày mỗi tuần trong 6, 7 tuần. Xạ đủ liều trong một khoảng thời gian được kéo dài ra sẽ giúp bảo vệ những mô lành ở khu vực khối u. Thậm chí trong mỗi ngày, bệnh nhân sẽ được điều trị 2 hoặc 3 đợt với liều được phân ra nhỏ hơn thay vì điều trị liều lớn 1 đợt duy nhất trong ngày.
· Xạ trị có định vị - Những chùm tia hẹp sẽ được nhắm trực tiếp đến khối u theo nhiều góc khác nhau. Để thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải mang một vòng đeo đầu cứng. MRI hoặc CT sẽ tạo ra hình ảnh chính xác vị trí của khối u. Bác sĩ sẽ dùng máy vi tính để quyết định liều xạ cần thiết cũng như kích thước và góc của chùm tia.
· Xạ trị qua tạo hình không gian 3 chiều - Máy vi tính sẽ tạo ra hình ảnh 3 chiều của khối u và khu vực mô não xung quanh. Bác sĩ sẽ hướng chùm tia xạ đến đúng hình dạng chính xác của khối u. Tiêu điểm chính xác của tia xạ giúp bảo vệ mô não bình thường.
· Xạ trị bằng tia proton - Nguồn xạ là proton nhiều hơn tia X. Bác sĩ sẽ hướng chùm tia proton đến khối u. Tia proton có thể đi xuyên qua những mô lành mà không làm tổn thương chúng.
Dưới đây là một số câu mà bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi bác sĩ trước khi được xạ trị:
· Tại sao tôi cần phải điều trị bằng cách này?
· Khi nào thì bắt đầu điều trị? Khi nào thì kết thúc?
· Trong thời gian điều trị tôi sẽ cảm thấy thế nào? Có những tác dụng phụ nào không?
· Tôi cần phải làm gì để tự bảo vệ bản thân trong khi điều trị?
· Làm sao chúng ta biết được rằng xạ trị sẽ có kết quả?
· Tôi có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường trong khi xạ trị không?
Hóa trị là cách sử dụng thuốc để tiêu diệt những tế bào ung thư. Thuốc có thể được cho qua đường uống hoặc tiêm, sau đó thuốc sẽ vào máu và đi khắp cơ thể. Thuốc thường được cho đều đặn theo chu kỳ để cho có những giai đoạn phục hồi sau mỗi giai đoạn điều trị.
Hóa trị có thể được thực hiện ở khu vực ngoại trú của bệnh viện, tại phòng mạch, hoặc tại nhà. Hiếm khi bệnh nhân mới cần phải ở lại bệnh viện.
Trẻ em thường cần phải hóa trị hơn người lớn. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể cần phải hóa trị sau phẫu thuật và xạ trị.
Một số bệnh nhân bị ung thư não tái phát, phẫu thuật viên có thể lấy khối u ra và cấy vào đó một túi có chứa thuốc để hóa trị. Túi thuốc có kích thước khoảng bằng 1 đồng xu. Trong vòng vài tuần, túi thuốc sẽ phân rã và phóng thích thuốc vào não để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bệnh nhân có thể sẽ muốn hỏi những câu sau trước khi hóa trị:
· Tại sao tôi lại cần cách điều trị này?
· Tôi sẽ phải làm gì?
· Tôi có bị những tác dụng phụ nào không? Tôi cần phải làm gì với chúng?
· Khi nào thì việc điều trị bắt đầu? Lúc nào thì kết thúc?
· Bao lâu thì tôi cần phải đi kiểm tra lại?
TÁC DỤNG PHỤ CỦA ĐIỀU TRỊ
Do những phương pháp dùng để điều trị u não có thể làm tổn thương những tế bào và mô lành xung quanh nên rất thường xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Những tác dụng phụ xuất hiện dựa vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm vị trí của khối u cùng với loại và phạm vi điều trị. Các tác dụng phụ có thể không giống nhau ở mỗi bệnh nhân và thậm chí cũng không giống nhau ở những giai đoạn điều trị khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Trước khi bắt đầu điều trị, các bác sĩ sẽ giải thích những tác dụng phụ có thể xảy ra và đề nghị cách hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát chúng.
Bệnh nhân thường sẽ thấy nhức đầu hoặc khó chịu trong vòng vài ngày đầu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, có thể dùng thuốc để giảm đau do đó bạn nên đề nghị được sử dụng thuốc giảm đau với bác sĩ hoặc y tá.
Bệnh nhân cũng thường cảm thấy yếu hoặc mệt. Mỗi bệnh nhân có một khoảng thời gian hồi phục kéo dài khác nhau.
Ngoài ra, trong một số ít trường hợp có thể xảy ra biến chứng. Dịch não tủy hoặc máu có thể tích tụ bên trong não. Tình trạng này được gọi là phù não. Các bác sĩ sẽ theo dõi những dấu hiệu của biến chứng phẫu thuật trên bệnh nhân. Bệnh nhân có thể được cho corticoid để làm giảm phù. Có thể phải phẫu thuật lần 2 để dẫn lưu dịch ra ngoài. Các bác sĩ có thể đặt một ống dài và hẹp (shunt) vào não thất bệnh nhân. Ống sẽ được luồn dưới da đến một vùng khác của cơ thể, thường là bụng. Lượng dịch thừa sẽ được dẫn từ não chảy xuống bụng. Đôi khi dịch có thể được dẫn lưu xuống tim.
Một biến chứng khác sau phẫu thuật có thể gặp là nhiễm trùng, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống kháng sinh để điều trị biến chứng này.
Quá trình phẫu thuật cũng có thể làm tổn thương mô não bình thường. Tổn thương não có thể rất nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể gặp vấn đề trong các chức năng như suy nghĩ, nhìn, hoặc nói. Bệnh nhân cũng có thể thay đổi tính cách hoặc tai biến. Hầu hết những vấn đề trên có thể giảm đi hoặc biến mất sau một khoảng thời gian. Nhưng đôi khi não cũng có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh nhân sẽ cần phải được vật lý trị liệu, tập nói v.v...
Một số bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn nôn vài giờ sau điều trị. Các bác sĩ có thể sẽ đề nghị cách giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng này. Xạ trị cũng có thể làm bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi khi tiếp tục điều trị. Khi đó nghỉ ngơi là quan trọng, nhưng các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên năng động hết mức có thể.
Ngoài ra, xạ trị còn thường gây rụng tóc. Tóc thường mọc lại sau vài tháng. Xạ trị cũng gây ảnh hưởng đến da ở vùng được điều trị. Da đầu và tai có thể đỏ, khô, và nhạy cảm. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị cách để làm giảm những biến chứng này.
Đôi khi xạ trị có thể làm mô não bị phù. Bệnh nhân có thể bị nhức đầu hoặc nặng đầu. Các bác sĩ sẽ theo dõi những dấu hiệu của biến chứng này và cho thuốc để làm giảm sự khó chịu.
Xạ trị đôi khi cũng có thể tiêu diệt những mô não lành. Hiện tượng này được gọi là hoại tử do xạ trị. Hoại tử có thể gây nhức đầu, tai biến, hoặc thậm chí là tử vong.
Ở trẻ em, xạ trị có thể làm tổn thương tuyến yên và những khu vực khác làm trẻ gặp vấn đề trong học tập hoặc chậm lớn và phát triển. Ngoài ra, xạ trị lúc nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ bị u thứ phát sau này khi lớn lên. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem có thể sử dụng hóa trị để thay thế xạ trị để điều trị u não ở trẻ nhỏ hay không.
Các tác dụng phụ có thể trở nên nặng nề hơn nếu hóa trị và xạ trị được thực hiện đồng thời.
Những tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc phần lớn vào loại thuốc được sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp nhất là sốt và run, buồn nôn và nôn, chán ăn, và yếu ớt. Một số tác dụng phụ có thể giảm đi nhờ thuốc.
Những bệnh nhân được cấy thuốc vào não sẽ được các bác sĩ theo dõi tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể được điều trị bằng kháng sinh.
ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ
Ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, bệnh nhân u não cũng đều có thể nhận được sự điều trị hỗ trợ để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng sống trong giai đoạn điều trị. Bệnh nhân có thể được điều trị giảm đau và những triệu chứng khác của u não, những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị và làm giảm những vấn đề về tâm lý.
Một số điều trị hỗ trợ thường gặp cho bệnh nhân u não bao gồm:
· Corticoid: hầu hết các bệnh nhân u não cần dùng corticoid để giảm phù não.
· Thuốc chống co giật
· Shunt - Nếu dịch tích tụ bên trong não, bác sĩ sẽ phải đặt shunt để dẫn lưu dịch.
Nhiều bệnh nhân u não điều trị hỗ trợ cùng với điều trị chính với ý định làm giảm tiến trình bệnh. Một số bệnh nhân quyết định không điều trị chống u não và chỉ điều trị hỗ trợ để làm giảm triệu chứng mà thôi.
CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Tái phục hồi sau điều trị u não
Giai đoạn tái phục hồi là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình điều trị. Mục tiêu của giai đoạn này phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và mức độ ảnh hưởng của khối u đến những sinh hoạt hằng ngày. Một số cách trị liệu sau có thể có ích:
· Vật lý trị liệu - u não và quá trình điều trị u não có thể gây liệt. Chúng cũng có thể gây yếu và những vấn đề về thăng bằng. Tập vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân lấy lại được sức lực và thăng bằng.
· Tập nói - giúp bệnh nhân gặp rắc rối trong vấn đề nói, diễn đạt ý nghĩ, hoặc nuốt.
· Chuyên gia trị liệu các sinh hoạt hằng ngày (occupational therapist) - giúp bệnh nhân học lại những sinh hoạt hằng ngày như ăn, đi vệ sinh, tắm và thay quần áo.
Trẻ em bị u não có thể cần sự trợ giúp đặc biệt. Đôi khi trẻ cần phải có người giám hộ ở bệnh viên hoặc ở nhà. Những trẻ gặp vấn đề trong học tập hoặc ghi nhớ những gì học được có thể cần giám hộ hoặc học những lớp đặc biệt khi quay trở lại trường.
Bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên để theo dõi sau khi được điều trị. Bác sĩ sẽ kiểm tra sát để bảo đảm khối u không xuất hiện trở lại. Tái khám có thể bao gồm khám tổng quát và khám thần kinh. Bệnh nhân có thể cần chụp lại MRI hoặc CT. Nếu bệnh nhân có gắn shunt, bác sĩ sẽ kiểm tra xem shunt có hoạt động tốt không. Bác sĩ cũng có thể giải thích kế hoạch tái khám của bệnh nhân chẳng hạn như bệnh nhân phải tái khám bao nhiêu lần và cần làm những xét nghiệm gì.
TÓM TẮT
· U não có thể lành tính hoặc ác tính
· Nguyên nhân gây u não vẫn chưa được biết chính xác
· U não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào
· U não nguyên phát là u não ban đầu hình thành từ mô não
· U não thứ phát là những ung thư lan đến mô não từ những mô khác của cơ thể
· Những triệu chứng của u não tùy thuộc vào kích thước, vị trí của khối u bên trong não
· U não được các bác sĩ chẩn đoán dựa vào bệnh sử, kết quả khám và kết quả của nhiều loại xét nghiệm khác nhau trên não và trên hệ thần kinh.
· Điều trị u não phụ thuộc vào loại, vị trí, kích thước của khối u cũng như tuổi tác và sức khỏe của bệnh nhân.
Theo Medicine NET - Y học NET dịch
- Tôi phải nằm viện bao lâu?
- Tác dụng phụ về lâu dài sau này? Tóc tôi có mọc trở lại không?
- Khi nào thì tôi có thể trở về với những hoạt động bình thường?
- Khả năng hồi phục hoàn toàn của tôi thế nào?
Khi u nằm ở thân não, bác sĩ sẽ không thể cắt bỏ khối u mà không làm tổn thương đến các mô não bình thường. Lúc đó sẽ dùng đến các phương pháp điều trị khác.